Lịch sử Núi Phú Cường

Ngày 30 tháng 4 năm 1977, các đơn vị Quân Cách mạng Campuchia (Khmer Đỏ) bất ngờ tràn sang chiếm các vùng ở An Giang. Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1977, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam tại địa phương đã giao tranh liên tục chống lại quân Khmer Đỏ. Vùng núi Phú Cường là một trong những khu vực giao tranh khốc liệt nhất.[12]

Trận Phú Cường lần 1

Ngày 15 tháng 1 năm 1978, Trung đoàn 14 và Trung đoàn 15 Sư đoàn 2 Khmer Đỏ sử dụng 4 tiểu đoàn bộ binh tấn công vào khu vực Bảy Núi. Trung đoàn 3, Sư đoàn 330 Việt Nam triển khai đến chặn đánh, gây thiệt hại 200 lính đối phương tại tuyến Cây Dương- Cống Đá. Trung đoàn 105 Sư đoàn 25 Khmer Đỏ lập tức chi viện, có cả xe tăng và hỏa lực pháo kích từ núi Som, Thamdung bên lãnh thổ Campuchia sang yểm trợ.[13]

Ngày 18 tháng 1 năm 1978, quân Khmer Đỏ chiếm toàn bộ dãy núi Phú Cường. Sau đó, họ bố trí nhiều tầng phòng thủ trên núi và dọc theo kênh Vĩnh Tế, đồng thời, gửi điện khiêu khích phía Việt Nam. Sư đoàn 330 Việt Nam đã huy động 3 trung đoàn có xe tăng và pháo binh phản công. Tư lệnh Quân khu là Nguyễn Chánh và Chính ủy Nguyễn Thạnh trực tiếp chỉ huy trận đánh.[13]

Sáng ngày 19 tháng 1, quân Việt Nam pháo kích dọc kênh Vĩnh Tế và khu vực núi Phú Cường. Sau 30 phút pháo kích, bộ binh dưới sự yểm trợ của xe tăng bắt đầu tiến công. Đến 18 giờ, quân Khmer Đỏ bị đánh bại, phía Việt Nam đã diệt 1.215 quân đối phương, bắt 75 lính, diệt gọn 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 4 Sư đoàn 2 Khmer Đỏ, diệt 2 tiểu đoàn thuộc tỉnh Takeo và gây thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn khác. Quân Việt Nam thu 348 súng, 6 máy thông tin, phá hủy 1 pháo 105 ly, 1 pháo không giật 75 ly. Phía Việt Nam mất 34 lính, bị thương 146 lính, bị cháy 1 xe tank PT-85.[13]

Trận Phú Cường lần 2

Vào ngày 17 tháng 4 năm 1978, quân Khmer Đỏ quay lại tấn công vào đầu núi Phú Cường. Đêm 11 rạng sáng 12 tháng 5, quân Khmer Đỏ tổ chức tấn công trên tuyến dài biên giới, trong đó có núi Phú Cường. Ngày 17 tháng 5, họ hoàn thành kiểm soát núi. Ngay trong ngày, quân Việt Nam tổ chức phản công, đến ngày 19 lấy lại ngọn núi.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Núi Phú Cường https://nld.com.vn/thoi-su/chu-dong-phong-chong-ch... https://baoangiang.com.vn/bay-nui-mua-kho-a329578.... http://atv.org.vn/tin-tuc/tin-trong-tinh/mua-hai-n... https://vtv.vn/xa-hoi/an-giang-canh-bao-chay-rung-... https://danviet.vn/nhung-tran-phan-cong-cua-su-330... http://www.sugia.vn/portfolio/detail/2018/lai-noi-... https://vbpl.vn/angiang/Pages/vbpq-toanvan.aspx?It... https://botanyvn.com/cnt.asp?param=news&newsid=389 https://baovemoitruong.org.vn/xa-an-nong-tinh-bien... http://bienphongvietnam.gov.vn/bo-cap-dac-san-cua-...